Đồ án mới cho Quần thể Di tích Cố đô Huế cần trả lời nhiều vấn đề
VHO- Đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 có quy mô, phạm vi nghiên cứu khá lớn nhằm tiếp tục bảo tồn hiệu quả, hướng đến phát triển kinh tế di sản bền vững.
Các đại biểu dự hội thảo về quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã có những đóng góp tâm huyết để UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thiện đồ án trước khi gửi Bộ VHTTDL thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồ án đang được trưng bày lấy ý kiến có phạm vi nghiên cứu, lập quy hoạch với diện tích 134.000 ha, gần như bao trọn địa giới hành chính của TP Huế và một số khu vực của thị xã Hương Trà, Hương Thủy, huyện Quảng Điền và Phú Vang.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch này chưa đủ, cần xem xét thêm một số khu vực ở huyện Phú Lộc bởi ở đây còn tồn tại các di tích rất quan trọng gắn với thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn, như chùa Thánh Duyên, hành cung Tịnh Viêm… PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam góp ý, việc quy hoạch phải căn cứ vào điều kiện thực tế của Huế hiện nay. Để trở thành đô thị di sản như định hướng thì quy hoạch không chỉ tập trung ở lĩnh vực di sản vật thể mà còn phải chú trọng đến kho tàng di sản văn hóa phi vật thể.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, các tác giả của Đồ án cần trả lời, làm rõ những nội dung trọng tâm về bảo tồn Quần thể Di tích Cố đô Huế: Đánh giá đầy đủ giá trị của quần thể di tích, đánh giá hiện trạng, những nội dung đã làm được và làm tốt trong thời gian qua… , từ đó hoạch định những vấn đề lớn như tổ chức không gian, gắn kết đô thị, bảo vệ môi trường cảnh quan, bởi không ở đâu mà hệ thống di tích, di sản lại gắn chặt chẽ với thiên nhiên như nơi đây. GS.TS Trương Quốc Bình nhận xét, đồ án quy hoạch lần này đã được triển khai với phạm vi quy mô khá lớn, kế thừa và tiếp nối 2 quy hoạch trước đó của Quần thể Di tích Cố đô Huế. Đặc biệt, không gian cảnh quan văn hóa, vùng đệm các khu vực di tích và cảnh quan sông Hương đã được địa phương rất quan tâm, mở ra các cơ hội cho hệ thống di sản Huế khi xây dựng hồ sơ tái đề cử trình UNESCO. Theo Đồ án, quy mô quy hoạch định hướng tổ chức không gian, bảo vệ cảnh quan văn hóa và kết nối quần thể di tích khoảng 42.600 ha. Đồ án cũng đề cập đến quy hoạch các không gian tương tác phục vụ du khách và cộng đồng dân cư.
“Giải quyết bài toán giữa bảo tồn và phát triển để có hướng phát triển phù hợp và bền vững cho Huế. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nghiên cứu và dự báo những nguy cơ liên quan. Kinh nghiệm của một số nơi trên thế giới cho thấy, đô thị di sản khi thu hút quá đông du khách thì chỉ tập trung du lịch mà quên đi điều cốt lõi là di sản, đến một lúc quá tải và dẫn đến suy tàn”, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đề nghị. Các chuyên gia cũng nêu ý kiến về việc cần bổ sung nghiên cứu và dự báo về tình trạng biến đổi khí hậu đối với công tác bảo tồn Quần thể Di tích Cố đô Huế vì Thừa Thiên Huế là địa phương thường chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai.
SƠN THÙY